KBC Hải Ngoại Kỹ Niệm đệ lục Chu Niên
Nguyệt san KBC Hải Ngoại kỷ niệm đệ lục chu niên
Monday, November 24, 2008
Ban hợp ca binh chủng Hải Quân bước lên sân khấu tại buổi lễ kỷ niệm đệ lục chu niên nguyệt san KBC Hải Ngoại.
Nhà báo Bồ Ðại Kỳ (thứ nhất từ trái) bắt tay cảm ơn Luật Sư Nguyễn Ðỗ Phủ. Bên phải là MC Phạm Ðình Khuông.
Ông Nguyễn Thế Ðỉnh (trái), hội trưởng hội Biệt Ðộng Quân Nam California, trao tấm ngân phiếu ủng hộ $500 cho ông Tô Phạm Thái.
Một người trong ban tổ chức cầm thùng tiền đi xin ủng hộ.
Bài và hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV).- Tối Chủ Nhật vừa qua không phải là ngày Quân Lực VNCH. Vậy mà nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, lại đông nghẹt các cựu chiến binh thuộc mọi binh chủng của quân lực này.
Gần 500 người, đa số đều mặc quân phục rất đẹp và mới, đã đến để kỷ niệm một tờ báo, được coi như là của QLVNCH, còn tồn tại sau sáu năm ra đời và cũng để gây quỹ giúp tiếng nói của họ tiếp tục được gióng lên trong tương lai.
Ðó là nguyệt san KBC Hải Ngoại, tờ báo của những người lính một thời chiến đấu cho lý tưởng tự do cho dân tộc Việt Nam.
Trên sân khấu là một tấm bảng với hàng chữ “KBC Hải Ngoại Chào Mừng Quan Khách Kỷ Niệm Ðệ Lục Chu Niên” được treo ngay chính giữa, bên trái là hình một người lính với một cô gái hậu phương, bên phải là hình một người lính trong tư thế chiến đấu với lá cờ VNCH phía sau.
Ngoài ra, hai bìa sân khấu là hai lá quốc kỳ Mỹ và VNCH.
Phía dưới là các quân trang, quân dụng, vũ khí và các bó hoa được trưng bày rất đẹp mắt.
Phía tường bên trái của nhà hàng là một tấm bảng lớn với hàng chữ “Thương lính, yêu lính, đọc và cổ động nguyệt san KBC Hải Ngoại.”
Mở đầu buổi tiệc, ông Tô Phạm Thái, thay mặt Hội Ðồng Quản Trị nguyệt san KBC Hải Ngoại, phát biểu: “Ðây là tờ báo chung của chúng ta, được làm ra để vinh danh các chiến sĩ QLVNCH, để đưa tiếng nói trung thực chống lại sự đầu độc bằng truyền thông của Cộng Sản. Có người nói chúng ta bán nước khi chiến đấu cho miền Nam Việt Nam. Bây giờ thì họ bán nước cho Tàu Cộng. Ðây là tờ báo phát triển cho thế hệ sau thấy sự chiến đấu của cha anh họ là đúng.”
“Nhân dịp này, tôi cũng xin kêu gọi tất cả chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ nguyệt san KBC Hải Ngoại bằng tài chánh, hình ảnh và bài vở để tiếng nói của chúng ta tiếp tục tồn tại. Xin thay mặt Hội Ðồng Quản Trị gởi lời cảm ơn đến tất cả các cơ sở thương mại đăng quảng cáo và các cơ quan truyền thông đã giúp đỡ chúng tôi bấy lâu nay,” ông Thái nói tiếp.
Bà Diệu Chi, trong trang phục Thủy Quân Lục Chiến, chia sẻ: “KBC gợi nhớ hình ảnh sâu đậm nhất trong chiến tranh. KBC là viết tắt của Khu Bưu Chính, là nơi trang trải những suy nghĩ về gia đình và cũng là nơi trao lo lắng cho người thân ngoài chiến tuyến. Ngôi nhà KBC là nơi mỗi người, mỗi nhà từng một thời đi qua.”
Bà kêu gọi: “KBC đang mong chờ những người còn yêu lính đến giúp phát triển. Hy vọng KBC không phai mờ trong trí nhớ chúng ta. Hy vọng chúng ta sẽ mang KBC về đất nước. Xin quý vị góp một viên gạch xây dựng nguyệt san này. KBC Hải Ngoại còn sống là niềm tin của chúng ta còn sống.”
“Ðã khai sinh ra KBC Hải Ngoại là phải duy trì. Muốn duy trì là phải đóng góp. KBC từng đại diện cho những ngày chúng ta chiến đấu. Giờ KBC vẫn đại diện chúng ta ở hải ngoại. Xin giữ và đừng bỏ KBC,” ông Lê Lào, một cựu quân nhân QLVNCH từ San Diego về dự tiệc, phát biểu.
Ông Trần Quang An, phó chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, phát biểu với lời rao bán báo KBC Hải Ngoại rất vui nhộn và nói một cách thực tế hơn: “KBC Hải Ngoại không phải là tờ báo của giới đầu tư mà là một sự hợp tác để có tiếng nói khắp năm châu. Các liên hội và hội trưởng là tiếng nói rất quan trọng. Xin các chiến hữu có dịch vụ quảng cáo hãy giúp KBC Hải Ngoại hoặc vận động các chiến hữu mua dài hạn. Tôi hy vọng qua buổi tiệc hôm nay, số người ghi danh mua báo sẽ tăng lên.”
Ông còn đề nghị: “Tôi đề nghị từ nay đến Tết, mỗi khi có tiệc tùng, đề nghị các hội trưởng dành một phần chương trình cho phép KBC Hải Ngoại đến vận động mua báo dài hạn. Tôi tin quý vị sẽ không để KBC Hải Ngoại chết mà còn sống mạnh nữa.”
Sự ra đời và tồn tại của KBC Hải Ngoại cũng làm thế hệ trẻ ngưỡng mộ, dù trải qua nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Nghị Viên Westminster Tạ Ðức Trí nói: “Bản thân tôi rất cảm động và hiểu được trong thời gian qua KBC Hải Ngoại đúng là tiếng nói đoàn kết và duy trì lửa tranh đấu của các cựu quân nhân. Và thế hệ chúng tôi cảm nhận được sự hy vinh của các chú các bác.”
Sau đó, nghị viên gốc Việt này đã trao tặng ban tổ chức một tấm chi phiếu để ủng hộ KBC Hải Ngoại.
“Cháu xin đại diện Tổng Hội Sinh Viên cảm ơn các chú với việc làm trong sáu năm qua. Trong tương lai, nếu có thể làm được điều gì giúp KBC Hải Ngoại đến với đồng hương nhiều hơn, chúng cháu sẽ cố gắng. Ngay sau buổi tiệc này, cháu sẽ nói chuyện với chú Thái để bàn cụ thể hơn,” anh Lý Vĩnh Phong, phó chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên, phát biểu.
Trước đó, qua phần điều khiển chương trình của ông Phạm Ðình Khuông, ông Bồ Ðại Kỳ, đại diện ban chủ biên KBC Hải Ngoại, đã trao một số phần thưởng và hoa cho một số doanh nghiệp và mạnh thường quân đã giúp đỡ tờ báo trong thời gian qua.
Ðó là Luật Sư Nguyễn Ðỗ Phủ, Bác Sĩ Ðặng Phi Long, ông bà Trần Hải và Thu Thảo (Việt Satellite), công ty gởi tiền Hoa Phát, Bác Sĩ Huỳnh Văn Chỉnh, nhật báo Người Việt, công ty xe đò Hoàng, Bác Sĩ James Việt Trần, văn phòng Luật Sư Nguyễn Kiều Diệm và Luật Sư Nguyễn Chí Tôn, ông bà Charlie Vũ Hồng Chương (Farmers Insurance) và Bác Sĩ Vương Ðức Hậu.
Tiếp tục chương trình là phần văn nghệ thật hùng tráng và sôi nổi bao gồm các ban hợp ca Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân và Hải Quân và nhiều ca sĩ khác.
Trong lúc chương trình văn nghệ diễn ra, một số người trong ban tổ chức cầm thùng tiền và một số sách đi các bàn tiệc xin ủng hộ.
Nhiều cá nhân và hội đoàn đã đóng góp ngay tại chỗ bằng những tấm chi phiếu và những lời chúc mong KBC Hải Ngoại được tồn tại mãi mãi.
Sau đó là chương trình dạ vũ cho tới 11 giờ đêm mới kết thúc.
KBC Hải Ngoại ra đời năm 2001 do nhà báo Nguyên Huy chủ trương, lúc đó có sự góp mặt của hai nhà báo Anh Thành và Vương Hồng Anh và nhà thơ Du Tử Lê. Sau này, có thêm sự tham gia của nhà báo Vương Trùng Dương.
Sau đó, KBC lại có thêm sự tham gia của hai nhà báo Ðặng Trần Hoa và Lê Xuân Mai (tức Lê Tường Vũ).
Theo nhà báo Nguyên Huy, có một thời gian, KBC Hải Ngoại được trao lại cho công ty Người Việt và công ty này trao cho nhà báo Võ Long Triều chịu trách nhiệm khoảng sáu tháng.
Sau đó, KBC Hải Ngoại lại trở lại với ban chủ biên hiện nay, bao gồm Bồ Ðại Kỳ (chủ nhiệm), Nguyên Huy (chủ bút), Lính Già Biên Phòng, Ngọc Minh, Hồng Huy và Lê Tường Vũ (tổng thư ký).
Hội Ðồng Quản Trị do ông Tô Phạm Thái đại diện.
Phụ tá tổng thư ký hiện nay là nhà báo Ðặng Phúc và các cộng tác viên bao gồm Ðỗ Văn Phúc, Trần Văn Ngà, Mường Giang, Bảo Ðịnh, Phạm Phong Dinh, Huy Phương, Toàn Như, Lê Công Truyền, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Huỳnh Mai Hoa, Phan Ngọc Châu, Ðinh Lâm Thanh, nhóm Huynh Ðệ Chi Binh và Mạng Lưới Thông Tin Chiến Hữu VNCH.
Các tranh vẽ của KBC Hải Ngoại do họa sĩ Nín phụ trách. Pháp luật thì do tổ hợp luật sư Ðỗ Phủ và Anh Tuấn chịu trách nhiệm.
Nhà báo Nguyên Huy cũng cho biết về mặt tài chánh, ba số tiên khởi của KBC Hải Ngoại do ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ nhân phở Nguyễn Huệ, hỗ trợ toàn bộ. Sau đó, báo bán được và tự hỗ trợ một thời gian. Sau này, công ty Người Việt hỗ trợ thêm phần quảng cáo dài hạn.
Nhà báo này cũng cho biết, trong sáu năm qua, KBC Hải Ngoại cũng thay đổi đường lối từ khẩu hiệu cũ “Diễn Ðàn Của Những Người Ðã Ðóng Góp Cho Ðất Nước” sang khẩu hiệu mới “Trước Hiện Tại, Nghĩ Về Quá Khứ, Nhìn Về Tương Lai.”
Nghĩ lại chặng đường đã qua, chủ bút nguyệt san KBC Hải Ngoại tâm sự: “Sự đóng góp của anh em có gia tăng và tất cả đều ý thức rằng mình đã đóng góp với khả năng của mình cho đất nước. Nhưng rất tiếc, chiến lược của các thế lực quốc tế đã không phù hợp với nguyện vọng của một thế hệ thanh niên Việt Nam.” (Ð.D.)
mang danh trường HSQ/QLVNCH sao cứ giới thiệu các khóa sĩ quan học nhờ không vậy?không lẽ nói về các khóa huấn luyện HSQ thì mắc cỡ lắm sao?sao không đổi thành trường SQ Đồng Đế đi?giống như thủ Đức vậy.tôi cảm thấy mắc cở với trang web này.HSQ không phải là lính à?
ReplyDelete