Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - Dong De Military Cadet Training Center APO-4311 / KBC-4311
Sunday, November 16, 2008
KBC Hãi Ngoại 23.11.2008 5:00 PM/Paracel
KBC Hải Ngoại, tờ báo của người lính cũ qua những “đoạn đường chiến binh” Monday, November 17, 2008 Trên kệ báo Việt ngữ tại hải ngoại, người ta để ý đến một tờ tạp chí khổ lớn, mang cái tên có dính líu đến cuộc đời quân ngũ của người lính VNCH trước tháng 5-1975, đó là tờ KBC Hải Ngoại. KBC viết tắt từ mấy chữ Khu Bưu Chính là những hộp thư của các đơn vị cũ của Quân Lực VNCH, như APO của Lục Quân Hoa Kỳ. Mỗi quân nhân sau số quân của mình, như một loại số An Ninh Xã Hội của mọi người dân trên đất Mỹ, người lính cần phải nhớ tới con số KBC của mình cho việc trao đổi liên lạc bằng thư tín. Ngay bây giờ ra hải ngoại, qua một thời gian dài, nhiều người có thể quên số quân của mình vì dài 8 số những không ai quên được KBC của mình vì nó chỉ có 4 số. Vậy KBC Hải Ngoại, chính là đơn vị tại hải ngoại của những người lính không còn quân đội.
Sau tháng 4-1975, tại hải ngoại, một số anh em chiến hữu vì nhu cầu tinh thần gắn bó với nhau, đã xuất bản tờ báo “Lính”, rồi sau đó là tờ “KBC”. Trong giai đoạn đầu tiên định cư trên đất khách, mặc dầu cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng tờ báo cũng là nơi anh em tìm đến nhau, chia xẻ vui buồn, nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm của những ngày chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng bên nhau. Tuy vậy tờ báo không nuôi sống được những người chủ trương tờ báo, nên tờ “KBC” dù đã sống qua một thời gian dài cũng đã phải đình bản.
Năm 1991, sau khi có chương trình cựu tù nhân chính trị được định cư tại Hoa Kỳ, chúng ta có nhu cầu tập hợp với nhau để có một tờ báo lính, nói rõ là một tờ báo cho những người cựu chiến binh VNCH tại hải ngoại. Do đó, một số các ký giả cựu quân nhân như các anh Nguyên Huy, Du Tử Lê, Vương Hồng Anh, Ðặng Trần Hoa, Anh Thành, Lê Xuân Mai tức Lê Tường Vũ, sau có thêm Vương Trùng Dương... đã góp công sức cho ra đời tờ báo mang tên “KBC Hải Ngoại” và được sự giúp vốn vô điều kiện của chủ nhân nhà hàng Nguyễn Huệ tại Quận Cam là ông Nguyễn Văn Cảnh, đôi khi cũng được sự tiếp trợ của nhật báo Người Việt với các cựu quân nhân Ðỗ Việt Anh và Nguyễn Phước Quan.
Năm 1994, KBC Hải Ngoại được giao về cho Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại đảm trách và do ông Võ Long Triều làm chủ nhiệm, nhưng lại phải gặp những khó khăn về biên tập và phát hành nên phải ngưng xuất bản. Sau một thời gian, tờ KBC Hải Ngoại trở thành KBC Hải Ngoại bộ mới và do bộ biên tập gồm có chủ nhiệm: Bồ Ðại Kỳ, chủ bút: Nguyên Huy, tổng thư ký tòa soạn: Lê Tường Vũ, phụ tá TTK là Ðặng Phúc và một hội đồng quản trị 7 người góp lại vốn mà chủ tịch là Tô Phạm Thái. Tất cả đều là những cựu quân nhân QLVNCH. Từ đây KBC Hải Ngoại đã bước sang một giai đoạn mới với tiêu đề: “Trước hiện tại ngẫm về quá khứ, nhìn vào tương lai”. Tờ KBC Hải Ngoại hiện nay ấn hành khổ lớn, phát hành mỗi tháng một lần, trình bày với nhiều hình ảnh mỹ thuật và bài vở rất phong phú, mỗi tháng mang mỗi chủ đề.
Hiện nay tờ KBC Hải Ngoại yểm trợ cho mọi hoạt động của các hội đoàn cựu quân nhân VNCH tại hải ngoại trong công cuộc chống Cộng và tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho Việt Nam, nhưng là một tờ báo độc lập, không trực thuộc hoặc chịu sự điều khiển của bất cứ đoàn thể hay đảng phái chính trị nào.
KBC Hải Ngoại mong được sự tiếp tay của quý chiến hữu để tạp chí được sống còn, là nơi để các chiến hữu có thể trao đổi với nhau những kỷ niệm của thời quân ngũ, liên lạc, yểm trợ cùng nhau trong cuộc đấu tranh chung.
Các chiến hữu gởi bài vở, yểm trợ hoặc mua báo dài hạn gởi đến địa chỉ nhà, xin liên lạc: Tòa Soạn và Trị Sự: 11901 Westminster Ave. # C, Garden Grove, CA 92843- Ðiện thoại: (714) 554-1974- & (714) 412-0913
E mail: kbchaingoai@yahoo.com
Một buổi văn nghệ và dạ tiệc gây quỹ cho KBC Hải Ngoại sẽ được tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood, 15583 Brookhurt St., Westminster vào lúc 17:00 đến 23:00 PM ngày Chủ Nhật 23 tháng 11-2008. Mong đồng hương và quý chiến hữu đến hỗ trợ cho tờ báo của những người, “tuy không còn quân đội, nhưng quân đội luôn luôn ở trong lòng” của những người lính năm xưa.
No comments:
Post a Comment