Friday, March 13, 2009

Legion of Merit (Degree of Commander) cho Thiếu Tướng Bùi Thế Lân




Buổi lễ trao huy chương Legion of Merit (Degree of Commander) cho Thiếu Tướng Bùi Thế Lân

Vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Bảy 7 tháng 3 năm 2009 tại phòng họp của Đài phát thanh Radio Sàigòn trong khu thương mãi Southwest thành phố Houston đã tiếp đón 20 quan khách Hoa Kỳ và 40 quan khách Việt Nam đến tham dự buổi lễ trao huy chương Legion of Merit (Degree of Commander) replacement cho Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Huy chương này đã được trao cho Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân khi Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến hoàn toàn làm chủ thị xã Quảng Trị vào tháng 9 năm 1972.

Sự hiện diện quý vị cao cấp các đơn vị của QLVNCH và một số anh em gia đình TQLC Houston làm buổi lễ như một niềm hãnh diện chung cho QLVNCH. Được biết huy chương cao quý này trao tặng cho Tướng Lãnh các quốc gia Đồng Minh với Hoa Kỳ.(hiện tại trên thế giới có 19 vị đã nhận huy chương này)

Vì số chổ có hạn định nên Thiếu Tướng TL đã không thể mời hết toàn thể gia đình Mũ Xanh của Houston và Vùng Phụ Cận tham dự.

Lt. Col. Emmett Sterling Huff USMC cựu Cố Vấn Tiểu Đoàn 8 TQLCVN giới thiệu Col. Gerald Turley, Maj Gen. William Eshelman, Maj. Gen. Bùi Thế Lân, Col. Micheal H. Harrington, Col. Nguyễn Thành Trí , tiếp sau đó tất cả mọi người cùng đứng dậy, trang nghiêm nghe Trung Tá Huff đọc bảng tuyên dương bằng Anh Ngữ
Sau đó Thiếu Tướng William Eshelman choàng huy chương Legion of Merit (Degree of Commander) trên cổ Thiếu Tướng Bùi Thế Lân. Thiếu Tướng Eshelman cho biết là bạn cùng khóa với Thiếu Tướng Bùi Thế Lân tại Quantico, khi ông về làm Cố Vấn cho TQLCVN, ông chỉ là Thiếu Tá, trong khi bạn cùng khóa với ông đã là Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam

Tiếp theo Đại Tá Nguyễn thành Trí Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đọc bảng tuyên dương bằng Việt Ngữ

Thiếu Tá Trần Huy Lễ mang bó hoa trao cho Thiếu Tướng Bùi Thế Lân



Buổi lễ chấm dứt và quan khách được mời qua nhà hàng Kim Sơn dự tiệc

Chú thích
Danh sách 18 vị Tướng Lãnh đã được nhận lảnh huy chương Legion of Merit (Degree of Commander), Thiếu Tướng Bùi Thế Lân chưa register nên chưa nhật tu trong danh sách

Commander:
Lieutenant General Bernard Freyberg, 1st Baron Freyberg VC, arguably New Zealand 's most famous soldier and military commander, also served as Governor-General of New Zealand.
Brazil's Brigadier General Amaro Soares Bittencourt was the first to receive the medal in a degree.
Colombian's General I.M Elias Nino Herrera, Colombian Marine Corps, For exceptionally meritorious conduct in the performance of outstanding service as Commandant of the Colombian Marine Corps. General Nino's cooperation and understanding have been a significant contribution to the mutual friendship between Colombia and the United States.
Ecuador's General de Ejercito (General of the Army) Paco Moncayo, because of his exceptionally superior performance as Chief of the Armed Forces Joint Command and his contribution to Ecuadorian history, politics and democracy
The Philippine's General Fidel Valdez Ramos, former President of the Philippines and a 1950 West Point United States Military Academy graduate
The Philippine's General Alfredo M. Santos, Chief of Staff of the Armed Forces of the Philippines 1962 - 1965
Australia's Chiefs of the Defence Force - General Sir Phillip Bennett, Generals John Baker, and General Peter Cosgrove
General Alfred John Gardyne Drummond de Chastelain, OC, CMM, CH, CD was appointed Commander of the Legion of Merit in 1995, and in 1999, he was made a Companion of Honour by HM The Queen. He is the former Chief of the Defence Staff (Canada) for the Canadian Forces and he is the Chairman of the Independent International Commission on Decommissioning since November 1995 for the Northern Ireland peace process.
Stefan Rowecki "Grot," Polish General and the Commander of the Home Army. He was decorated posthumously on August 9, 1984 by Ronald Reagan.
Lt. Gen. Władysław Anders, Polish General and the Commander of the 2nd Polish Corps.
German Generals Hans-Otto Budde, Adolf Heusinger, Klaus Naumann and Wolfgang Schneiderhan
French Generals Edgard de Larminat, Alain de Boissieu and Vincent Desportes
Bangladesh Army's Brigadier General Sharif Uddin Ahmed was the first Bangladeshi General to receive this award for his outstanding service as the Defence Attache from 1985 to 1989 in Bangladesh Embassy, United States.
General Sir Peter de la Billière KCB, KBE, DSO, MC & bar, commander of the British forces during Gulf War I
General Michael John Dawson Walker, Baron Walker of Aldringham GCB, CMG, CBE, ADC, DL, former Chief of the Defence Staff (CDS) in the United Kingdom and Commander of the Implementation Force in Bosnia.
Air Chief Marshal Sir Keith Rodney Park of New Zealand, Royal Air Force commander during the Battle of Britain and later Allied Air Commander South East Asia.
Turkish ex-Commander in Chief of the Armed Forces Mehmet Yaşar Büyükanıt (12 December 2005)
Major General William Henry Evered Poole, CB, CBE, DSO, Commander of the 6th South African Armoured Division which was part of the 5th US Army during the Italian Campaign during World War II.

1 comment:

  1. Cựu thiếu tướng TQLC Bùi Thế Lân nhận huy chương.
    “Chiến Hữu” không phải là cái tựa đề do tôi đặt. Đây là chữ của dịch giả Tâm Nguyễn dùng khi chuyển ngữ tác phẩm “Drei Kameraden” do Erich Maria Remarque viết vào năm 1937, giao cho nhà xuất bản Kinh Thi, Saigon in lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1972.
    Chiều thứ Bảy 7-3-2009, tôi được chủ bút ấn bản Houston của Thời Báo gọi tới để bấm một vài tấm hình buổi lễ thiếu tướng TQLC Hoa Kỳ William Eshelman đại diện Lục Quân Hoa Kỳ trao tặng huy chương “Legion of Merit” cho người Việt Nam đầu tiên, thiếu tướng TQLC Bùi Thế Lân. Cựu Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh, trưởng phòng báo chí Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH, là người được đích thân tướng cựu tư lệnh Sư đoàn TQLC Việt Nam gọi điện thoại mời tham dự, còn tôi chỉ là người “ăn theo” biến cố nầy. Tôi không có nhiệm vụ viết bài tường thuật, nhưng thức trắng một đêm, tôi thấy không thể không viết vội đôi dòng về những kỷ niệm và ân sâu nghĩa nặng tôi nhận của những “cọp biển” trong ba năm lặn lội với họ trên chiến trường Quảng Trị. Đóng góp nhạt nhẽo nầy sẽ chỉ là hạt muối bé bỏng không mong làm mặn nồng thêm đại dương mồ hôi và xương máu mà các anh em “lính thủy đánh bộ” đã hy sinh - càng vô nghĩa nếu như phải dùng tựa đề nào khác hơn hai chữ vay mượn “Chiến Hữu” để gọi một thứ nghĩa tình của những người san sẻ với nhau hơi thở khi sống và giọt máu khi nhắm mắt, dưới bộ áo nhà binh…
    - NgyThanh
    Người đàn ông đang đứng phía trước ống kính tôi để nhận lãnh huy chương cao quý “Legion of Merit” do cựu thiếu tướng TQLC Hoa Kỳ William Eshelman đại diện Lục Quân Hoa Kỳ trao tặng là Bùi Thế Lân. Tôi gặp ông lần nầy là lần thứ ba; lần trước đó cách đây đúng 36 năm vào một ngày đầu tháng 2-1973 trên bãi biển Gia Đẳng thuộc quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong những ngày vi phạm ngừng bắn sau Hiệp Định Paris (27-1-1973), và lần đầu tiên sáng 11-7-1972, lúc ông đứng bên cạnh Trung tướng Ngô Quang Trưởng và đại tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 147 bắt tay từng toán quân ở Tân Mỹ, trên mặt đường nhựa từ Huế xuống cửa Thuận An, để chính thức phát lệnh tái chiếm cổ thành và tỉnh Quảng Trị trong khi phóng viên Đoàn Kế Tường rũ tôi chui tọt vào một trong 32 chiếc trực thăng Chinook CH-47 sắp hàng một đang bốc lính Tiểu đoàn 1 TQLC Quái Điểu của thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa để đổ xuống Triệu Phong.
    Trong cuộc chiến Việt Nam, người đàn ông già cả 77 tuổi ấy là vị tướng tư lệnh cuối cùng của sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, và trong thời điểm 1973 dầu sôi lửa bỏng, ông đã nắm dưới trướng 939 sĩ quan các cấp cùng 14.290 quân từ binh sĩ lên tới hạ sĩ quan.
    Thực ra tôi suýt có hân hạnh gặp ông thêm một lần thứ tư nữa, ngay sau khi tiểu đoàn Thần Ưng và tiểu đoàn Sói Biển Thủy Quân Lục Chiến được tiểu đoàn 8 của “Phán Phu Nhơn” đánh vu hồi dọc sông Vĩnh Định bọc ra Thạch Hãn để bẻ gảy cánh quân chủ lực thọc sườn của địch từ hướng Cửa Việt - dứt điểm “cái bánh trung thu” vào ngày 16-9-1972. “Cái bánh trung thu” là tiếng lóng để gọi việc TĐ6 và TĐ3 cảm tử tràn vào và tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng. Hôm ấy, tôi đang theo chân Biệt Động Quân từ Châu Đốc cắt qua kênh Vĩnh Tế truy kích Việt cộng trên lãnh thổ quận Takeo của Cam bốt, ở nhà, phóng viên già Trần Văn Ba của Phòng Báo chí Quân đoàn I lọt vào cổ thành, đầu đội cái nón sắt kẽ chữ “NgyThanh”. Tướng Lân không biết mặt cả hai chúng tôi. Nhưng khi đọc thấy tên tôi trên nón, ông đã chỉ ngón tay vào mặt ông bạn phóng viên già của tôi, “Chú mầy là NgyThanh hả? Qua bên Nhảy Dù mà làm phóng sự tái chiếm cổ thành!”. Chuyện là như thế, giữa một ông tướng tư lệnh sư đoàn, và một thằng binh nhất Chiến Tranh Chính Trị. Nhưng không phải là hiềm thù cá nhân, mà chỉ là một dạng khác của tình huynh đệ chi binh, vì cả hai đều dính dáng tới cùng một chữ, “Sóng Thần”. Và chính đó là thứ tình cảm dành cho ông mà tôi gìn giữ cho đến sau gần bốn thập niên.
    Ngày đến tuổi trình diện nhập ngũ vào đầu năm 1971, tôi đã khổ sở không ít khi phải chọn một trong hai “người tình” để chung sống trọn đời: lái máy bay và làm lính thủy đánh bộ. Thế mà khi vào lính, tôi không đội mũ xanh, cũng chẳng cầm cần stick để làm giặc lái. Hai năm trước ngày vào lính, tôi là họa viên của TĐ7TLC Hoa Kỳ, đóng bộ chỉ huy ngay trong vòng rào của TĐ10CTCT Việt Nam. Ngoài chuyện vẽ, nhờ sống lâu ra lão làng, tôi còn được lính Mỹ huấn luyện về công đoạn làm bản kẽm, chạy máy in offset, và làm phòng tối cả hai loại phim chính sắc và phạm sắc. Thời gian tôi chuẩn bị trình diện nhập ngũ là thời gian có cuộc Hành quân Lam Sơn 719 qua Hạ Lào, cũng là lúc TĐ7TLC Mỹ rút quân, dời binh đội qua Okinawa, bàn giao toàn bộ quân trang quân dụng cho TĐ10, thành thử tôi may mắn trở thành ứng cử viên để điền khuyết vào chỗ trống ấy. Tôi hỏi Tiểu đoàn trưởng TĐ10 liệu có cho tôi ra mặt trận làm phóng viên chiến trường, thì tôi sẽ tình nguyện vào làm lính đơ dèm cùi bắp. Thiếu tá Bá hứa. Thế là tôi nạp đơn. Nhưng phải tới 15 tháng sau khi vào lính, ban ngày ngồi phòng tối tráng phim, ban đêm bồng súng gác vòng rào phòng ngự, tôi mới biết là đau chân phải há miệng. Tôi lên bộ chỉ huy tiểu đoàn xin trình diện bạn tôi, vừa nhăn vừa mếu, tới hai ba lần ông ấy mới chịu cho tôi đi. “Cấp số tiểu đoàn có văn công, ca sĩ, nhiếp ảnh viên nhưng không có phóng viên chiến trường; đó là việc của tổng cục và của quân đoàn. Mầy muốn thì phải để mầy đi, nhưng tiểu đoàn không cấp máy và phim ảnh”. Tôi ra chợ trời Đà Nẵng mua cái máy cũ. Còn sự vụ lệnh thì ông ấy cấp sẵn nhiều tờ, mỗi tờ hiệu lực 15 ngày, được Đại tá Đặc khu Trưởng Đặc khu Đà Nẵng kiêm Quân trấn trưởng Đà Nẵng duyệt, “đương sự được phép mặc thường phục hay quân phục thích nghi, được đi trong giờ giới nghiêm, vào ra các phi trường và căn cứ quân sự.” Thế là tôi đem cây Carbin M2 trả cho kho súng đơn vị, về nhà chào gia đình, để đi Huế.
    Ở Huế, tôi còn mất thêm một đêm nữa ngồi với Nguyễn Kinh Châu, văn phòng trưởng báo Sóng Thần ở Huế, để nhờ giới thiệu làm quen các đầu dây mối nhợ trên đường tìm ra nơi tên bay đạn lạc. Anh Châu bảo tôi, trốn về thành phố mới khó, chứ mò ra trận, thì dễ quá là dễ. Tối đó anh Châu bảo vợ làm tiệc khao anh em, vì tôi là văn phòng trưởng báo Sóng Thần của Đà Nẵng (nghe hách xì xằng và thằng ngọng thế, chứ tôi chỉ có mỗi việc là giữ con dấu, và không bao giờ đóng vào một văn bản nào đến ngày mất nước - trừ cái thẻ báo chí tôi phải tự cấp cho tôi). Trong buổi tiệc, anh Châu giới thiệu tôi với phóng viên quân đội Trần Tường Trình (lính Sư đoàn 1BB, sau mới biết là Việt cộng nằm vùng, tới 1976 làm Trưởng ban Tuyên huấn Quận đoàn 6 TpHCM) là phóng viên trong văn phòng của anh Châu, và thêm 2 người nữa từ văn phòng Sóng Thần tại Quảng Trị di tản vào: anh Nguyễn Quý văn phòng trưởng, và Đoàn Kế Tường, lính pháo binh sư đoàn 3BB, cộng tác với anh Quý. Đoàn Kế Tường kém tôi một tuổi, nhưng rất giỏi về thơ. Tường rất thông minh: không hề biết chụp hình, nhưng nghe tôi xúi, cầm bớt tôi một cái máy, sau chưa đầy một tháng, anh chàng chụp như nhà nghề. Vậy là tôi có bạn vừa là người dẫn đường. Sáng hôm sau, Tường dắt tôi vào bãi đáp trực thăng của Bộ Chỉ Huy Tiền Phương TQLC trong đại nội, phía gốc hai cây phượng vỹ ở cánh phải của Điện Thái Hòa, bày cho tôi, “Không cần biết ai và ai biết mình hết. Cứ theo tao, tao leo lên tàu, mày làm theo. Trung tá Phẩm trưởng phòng báo chí TQLC nếu có thấy sẽ tưởng mầy là phóng viên của tổng cục từ Sài gòn vì mầy mang cái phù hiệu CTCT to tổ tướng trên vai. Phía phi công trực thăng biệt phái sẽ nghĩ mầy có tên trong manifest của ông Phẩm. Còn đám báo chí ngoại quốc cứ sợ mầy đẩy tụi nó xuống khỏi trực thăng, vì mầy là báo chí quân đội, còn tụi nó chỉ là dân sự quá giang.” Với cái khôn lõi ấy trong ngày nhập môn, tôi ngậm miệng ăn tiền, mặc cho chiếc trực thăng chở cắt qua phòng tuyến sông Mỹ Chánh, thả cả bọn gần mười mạng xuống bộ chỉ huy nhẹ của Tiểu đoàn 6 TQLC do thiếu tá Tùng nắm, nằm sâu nhiều cây số trong vùng tạm chiếm của Việt cộng. Bỏ chúng tôi xuống xong, trực thăng lấy thương binh và những xác chết quấn poncho, nhanh chóng rời mặt trận để tránh pháo kích. Tàu đi rồi, tôi mới bắt đầu thấy mình vừa dại vừa điên.
    “Tác phẩm đầu tay”
    “Di tản chiến thuật” - mỗi lần thất trận phải bỏ quân binh dưới trướng mình sống chết mặc bây, vị Tổng tư lệnh Quân lực VNCH Nguyễn văn Thiệu vẫn dùng chữ đó, do ông sáng tác. Khi chiến xa T-54 của cộng sản từ tỉnh lộ 8B ở thôn Cam Võ trên bờ bắc tràn qua cầu sông Miêu Giang, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH bí mật cho phép sử dụng lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam loại bom CBU-55. Trưa 1-5-1972, sau khi ném trái “bom nguyên tử bỏ túi” vào đoàn xe tăng đang vượt cầu Đông Hà và làm cả đoàn xe chết khựng ngay trên cầu, thiếu úy phi công Nguyễn Hàn mang tàu A-37 về tới phi đoàn 528 ở Đà Nẵng bình an. Hàn gọi cho tôi qua hệ thống điện thoại Tiger do Mỹ để lại, “Mầy phải kiếm cách đi sớm mới được, cuộc chiến tới hồi cao điểm rồi. Không ra chiến trường lúc nầy, sau nầy chẳng còn khỉ gì để… bình thiên hạ. Tao mới thả trái CBU-55 đầu tiên nhưng mầy không được viết lên báo; có hứa, tao mới kể. Nếu không, an ninh quân đội sẽ hốt xác cả hai đứa mình.”
    Tôi hứa, và giữ lời hứa ấy cho đến hôm nay, mặc dù thiếu úy Hàn đã rớt tàu khi bay thế bạn bè, trong trận đánh yểm trợ cho TĐ8 TQLC đầu tháng 10-1972 ở góc chợ Sải, mà tôi sẽ kể sau.
    Vào trong tự điển wikipedia, độc giả sẽ đọc thấy “Một trong các sự kiện nổi bật nhất là vụ ném bom CBU-55 xuống ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, trong trận Xuân Lộc, vào ngày 21-4-1975. Từ đầu tháng 4-1975, một quả bom CBU-55 đã được chở bằng máy bay từ Thái Lan tới căn cứ không quân Biên Hòa. Được sự chuẩn y của tướng Homer Smith cho phép chính phủ VNCH sử dụng loại vũ khí này, một máy bay vận tải C-130 lượn vòng trên bầu trời Xuân Lộc tại độ cao 6.000m, rồi thả quả bom. Bom nổ tạo một quầng lửa che phủ một vùng rộng 2 mẫu Anh (khoảng 0,8 hécta). Các chuyên gia ước lượng rằng khoảng 250 người lính đã bị thiệt mạng, chủ yếu do bị ngạt ô-xy thay vì bị bỏng. CBU-55 là một loại bom cháy dạng chùm (cluster bomb incendiary device) được quân đội Mỹ phát triển trong Chiến tranh Việt Nam, với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, dọn bãi cho trực thăng đổ bộ, cũng gọi là bom chân không. Trong khi hầu hết các loại bom cháy khác chứa na-pan hoặc phốt-pho, bom CBU-55 chứa nhiên liệu chủ yếu là prô-pan. Được mô tả là 'vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Mỹ', loại bom này đã là một trong những vũ khí truyền thống mạnh nhất được thiết kế cho chiến tranh. Quả bom có 3 ngăn chứa prô-pan, một hỗn hợp gồm các khí khác, và một ngòi nổ.”
    Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, CBU-55 là loại "bom chùm hàng không dạng cát-xét, kiểu nổ xon khí đầu tiên của Mỹ. CBU-55 dài 2.3m, đường kính 0.6m, sải cánh đuôi 0,72m, khối lượng 235kg, chứa 3 bom con BLU-73, dọc thân từ lỗ lắp ngòi hẹn giờ tới nắp đáy, có đặt một dây nổ, đảm bảo mở cát xét ở trên không. Mỗi bom con có khối lượng 45kg, nạp 32.6kg ôxít êtylen lỏng, có dù hãm để giảm tốc độ rơi xuống còn 33m/giây. Khi chạm đất, ngòi nổ hoạt động gây nổ ống thuốc đặt giữa trục bom, phá vỡ vỏ bom, làm văng ôxít êtylen thành các giọt, tạo thành đám mây xon khí (nhiên liệu - không khí) có đường kính 25 - 17m; cao 2,5 - 3m. Đám mây này được một trạm nổ kích thích ở độ cao 1m sau khi hình thành 0,125giây. Bán kính sát thương của mỗi bom con là 50m. Bom CBU-55 được thiết kế cho loại máy bay tốc độ dưới âm như phản lực A-37, loại quan sát OV-10 và máy bay trực thăng UH-1 ở độ cao bay 600m, tốc độ bay 120km/giờ. Loại bom nầy đã được sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị 1972.”
    Trái bom mà Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam vừa đề cập chính là trái mà phi công Nguyễn Hàn dùng để cứu nguy cho Đông Hà vào ngày lễ Quốc tế Lao động năm ấy. Nhưng trái bom xuống bằng dù màu cam (để phi công có đủ thì giờ bay xa khỏi vùng mất dưỡng khí) là quyết định hết sức muộn màng sau khi SĐ3BB chưa kịp đánh đã tan hàng, làm thị xã Quảng Trị hốt hoảng, bỏ ngõ. Liều thuốc cuối cùng của thế trận để cứu vãn cố đô Huế lúc ấy, là Thủy Quân Lục Chiến, và trong khi tướng Hoàng Xuân Lãm bó tay nhìn nhân dân tỉnh Thừa Thiên bồng bế nhau dồn vào Đà Nẵng, TQLC đã trụ lại và lập ngay tuyến chận địch ở bờ Nam sông Mỹ Chánh: LĐ369 trấn thủ từ QL1 cặp theo tỉnh lộ 555 chạy ra phía biển, giáp với sông Ô Lâu; LĐ258 giữ từ lô cốt bên đường sắt cặp Rào Tách Ma đâm lên núi Cái Mương và căn cứ cũ Barbara.
    Bốn ngày sau khi mất Đông Hà Quảng Trị, trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 4, được gởi ra Đà Nẵng làm Tư lệnh Quân đoàn 1 thay tướng Hoàng Xuân Lãm, còn đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh phó Sư đoàn TQLC, lên nắm quyền tư lệnh Sư đoàn TQLC thay thế trung tướng Lê Nguyên Khang. Ông Trưởng và ông Lân là bạn cùng khóa 4 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Ngày 28-5-1972, đại tá Bùi thế Lân đã được vinh thăng cấp chuẩn tướng tại bản doanh bộ Tư lệnh TQLC Tiền phương đặt trong Đại Nội Huế, trong những ngày phòng tuyến Mỹ Chánh đã trở nên sôi động hơn khi cộng quân tập trung lực lượng tấn công vào các vị trí phòng ngự của các Tiểu đoàn 3,8 và 9 TQLC, bộ chỉ huy Lữ đoàn 369 TQLC và các pháo đội của Tiểu đoàn 3 Pháo binh TQLC vào hai ngày 21 và 22 tháng 5-1972. Những ngày kế tiếp, cộng quân chuyển mũi dùi tấn công sang vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 258. Trong ba ngày liền, địch dàn chiến xa và bộ binh tấn công TQLC giữa ban ngày. Trong khi bị địch uy hiếp nặng nề từ mạn dãy Trường Sơn, một mặt đại tá Lân cầm cự để bẻ gảy các mũi dùi muốn cắt QL1, một mặt bất ngờ tung cuộc hành quân Sóng Thần 6-72 đổ quân đánh vu hồi sâu trong hậu cứ địch. Ngày 23-5-1972, ông Lân cho toàn bộ TĐ7TQLC từ phòng tuyến Mỹ Chánh di chuyển bằng quân xa ngược về phía Nam để đến bến tàu Tân Mỹ, từ đó được chở ra Hạm đội 7 và từ ngoài khơi đổ bộ bằng đường biển vào tuyến ven biển dọc các thôn Trung An, Mỹ Thủy, Gia Đẳng, để giữ cạnh sườn cũng như bảo vệ đường rút cho hai TĐ4 và 6 được trực thăng vận thả xuống Thương Hòa ở giao điểm của hai hương lộ 555 và 602 - địa danh chiến sử nổi tiếng mà Bernard Fall đã viết nguyên một cuốn sách mang tên “Con phố buồn thiu” để mô tả trận thư hùng kéo dài hơn 1 tuần lễ giữa lực lượng Nhảy Dù Pháp và trung đoàn 95 Việt Minh vào tháng 7-1954.
    Sau một tuần vừa đánh vừa dò tìm thực lực địch, cuộc hành quân Sóng Thần 6-72 chấm dứt vào ngày cuối tháng 5; các đơn vị cấp tiểu đoàn rút về bờ nam sông Mỹ Chánh, nhưng hàng đêm các toán viễn thám tiếp tục đột nhập vào hậu tuyến địch để lấy tin tình báo, chuẩn bị kế hoạch toàn diện phản công.
    Sau ít bữa cho lính dưỡng quân và bổ sung, ngày 6-6-1972, tướng Lân mở tiếp cuộc hành quân Sóng Thần 8-72, với 4 tiểu đoàn TQLC ồ ạt vượt sông Mỹ Chánh để mở đầu cho một đợt hành quân quy mô nhắm hướng thành phố Quảng Trị. Yêu cầu đầu tiên của tướng Ngô Quang Trưởng là các lực lượng VNCH phải kiểm soát bằng được khu vực cách bờ Nam sông Mỹ Chánh ít nữa là 5 km để chuẩn bị đầu cầu. Để đạt yêu cầu này, tất nhiên tướng Trưởng nhắm vào sư đoàn TQLC làm lực lượng tiên phong và nòng cốt. Sau màn phi pháo B-52, hải pháo từ Hạm đội 7, và địa pháo của các đơn vị bạn, 4 tiểu đoàn TQLC đồng loạt vượt sông Ô Giang. Qua khỏi tuyến xuất phát, các đơn vị tiên phong đã đụng độ các toán tiền tiêu của đối phương, giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt khi các đại đội TQLC đi đầu tràn lên cận chiến để chiếm các vị trí trọng điểm nhằm làm đầu cầu cho toàn đơn vị nối gót. Đến gần trưa, phía TQLC đã gặp sự kháng cự quyết liệt, nhất là cánh quân tiến theo trục hương lộ 555 từ Xán Viên tới Đơn Quế thuộc địa phận quận Hải Lăng. Phải đến hoàng hôn sau khi đổ khá nhiều máu, TQLC mới diệt xong các ổ kháng cự chính của địch để công binh sửa chữa hay lắp đặt cầu cống cho chiến xa của các chi đoàn Thiết giáp tiến lên. Đây chính là thời điểm tôi tới mặt trận ngày đầu, không khác con nai vàng ngơ ngác. Đi là vì mê chứng kiến chuyện đàn ông con trai đánh đấm ngoài trận tuyến mà đi, đi mặc dù tôi không hề được huấn luyện để làm phóng viên chiến trường.
    Trong tất cả đám người mặc đồ lính ở chỗ tôi xuống máy bay, tôi là người ít kinh nghiệm súng đạn nhất. Trong tất cả đám người hành nghề báo chí, tôi là người duy nhất trắng tay, từ quá trình lẫn kinh nghiệm. Tôi hỏi Phan Bội Hoàn của CBS và Phạm Gia Cường của NBC, các anh ấy bảo nếu cứ đứng ở đây với bộ chỉ huy tiểu đoàn thì chỉ ăn đạn pháo kích. À ra thế. Muốn có hình đánh nhau, phải lội lên tuyến đầu, chứ còn gì? Tôi nói với Đoàn Kế Tường rằng tôi lên phía trước kiếm vài tấm ảnh, rồi lầm lũi lội cát đi. Buổi trưa hôm ấy yên ắng lạ thường. Không có cả tiếng súng lẻ tẻ. Không nón sắt, không áo giáp, tôi len lõi giữa các đội hình khinh binh bố trí xen kẽ giữa các nghĩa trang, không bấm được tấm nào. Ở chốt tiền tiêu cuối cùng, mấy anh TQLC ngăn tôi lại, vì “phía trước không xa là Việt cộng”. Tôi ngồi tâm sự vặt với họ, rồi nhận mấy lá thư họ viết sẵn, gởi nhờ tôi mang về Huế dán tem, bỏ thùng thư bưu điện. Nhưng cái lặng lẽ ấy không kéo dài lâu. Khoảng 2 giờ chiều, súng AK bắt đầu nổ. Tiếng súng M-16 đáp trả, rồi các chốt tiền tiêu dời về phía trước, tôi bám theo. Sau 15 phút, tiếng súng AK nổ nhiều hơn, từ cả hai bên hông. Tiếng hò la, tiếng điều động quân. Chỗ chúng tôi là một nghĩa trang gồm những nấm mộ cát hình tròn, chung quanh bao bọc bởi bụi rậm thay khung thành, phía trên đầu là chỗ người nhà vào tảo mộ, gọi là cửa mả. Giữa nấm mộ tròn và viền quanh nhô cao khoảng nửa mét là chỗ đất trũng xuống: các chiến binh TQLC quỳ xuống đây, tì súng lên mô đất cao, xiết cò. Tầm đạn chiu chít thật thấp. Tôi bắt đầu thấy thây người ngã bật ra, bắt đầu thấy máu. Nằm sấp sợ cát vào máy ảnh, tôi nằm ngữa, hai tay giữ máy, phỏng chừng tốc độ và khẩu độ màn trập. Sợ lắm, nhưng không làm được gì hơn, tôi bấm bừa những cảnh TQLC tay cầm súng cúi rạp mình vừa tránh đạn, vừa nhảy bổ ngang qua chỗ tôi nằm, trên lưng là ba lô nặng trĩu áo quần, chăn màn cá nhân, gạo sấy. Bên ngoài ba lô còn đeo lủng lẳng một cái nồi nấu cơm, một đôi dép. Nếu là một pha dàn dựng, tôi có thể nằm lại tư thế đó nhưng sẽ không bất cứ diễn viên nào có thể có cái “action” cùng với khuôn mặt ghi lại nét hãi hùng khi tiếp cận cái chết như trong bức ảnh của tôi. Việc tôi chết hụt hôm ấy lớn thật, nhưng về sau nầy tôi mới biết là không lớn bằng việc tôi quyết định tháo lấy cuốn phim bỏ vào túi quần, quẳng lại cả máy cả kính, tự đếm một hai ba, nhỗm dậy chạy một mạch lui về hậu tuyến, sau khi biết cánh quân chúng tôi bị hai trung đoàn Việt cộng đánh bọc sau lưng. Về tới bộ chỉ huy TĐ, bở hơi tai, Đặng văn Phước của AP phán một câu, “dám quẳng máy cứu lấy phim là tác phong của ký giả quốc tế”. Nhưng tôi phải chờ mấy tháng nữa mới thấy kết quả việc Phước tiến cử tôi vào làm phóng viên chiến trường cho Associated Press, văn phòng Saigon.
    Mấy tháng sau, một bữa tôi đang lội ngoài trận địa TQLC, có một ông phóng viên quân đội mặc đồ Nhảy Dù cấp bậc đại úy lạ mặt tìm tôi. Ông ấy lấy từ trong túi quần bên hông ra cuốn sách, đưa cho tôi, sau khi đọc cái bảng tên của tôi trên ngực áo. “Tôi là Phan Nhật Nam, là bạn của Đằng Giao. Đằng Giao đang lùng một tấm hình xứng đáng để làm bìa cho cuốn sách của tôi, thì thấy tấm hình bạn gửi về tòa soạn Sóng Thần. Chúng tôi đã làm ẩu, quyết định cứ lấy hình của bạn làm bìa, rồi xin phép sau. Hôm nay tôi mang tặng bạn cuốn sách ấy, với lời xin lỗi…” Tôi mở cuốn sách, đọc cái tựa “Mùa Hè Đỏ Lửa”, thấy tấm hình người lính TQLC mà tôi chụp hôm xuất trận lần đầu, ngày Quân Lực 19 tháng 6. Trả lời Phan Nhật Nam về địa danh tấm ảnh, tôi nói mấy ông TĐ6TQLC cầm bản đồ hành quân hôm ấy cho tôi biết đó là Câu Nhi Phường. Đây là địa bàn nhuộm nhiều máu của TQLC với hệ thống sông ngòi dày đặc gồm sông Thạch Hãn, sông Nhùng, Bến Đá, Thác Ma, Ô Lâu, ngoài ra còn có sông Vĩnh Định đưa nước ra cửa Thuận An và cửa Việt Yên. Từ bắc tỉnh lộ 8, sông chỉ có một dòng chảy, nhưng đến Hội Yên chia làm hai, Tân Vĩnh Định và Cựu Vĩnh Định. Câu Nhi Phường thuộc xã Hải Chánh huyện Hải Lăng là nơi sông Ô Giang nhập vào sông Ô Lâu để chảy ra hướng bắc, đến làng Trung Đơn theo Kênh mới Mai Lĩnh nối với Cựu Vĩnh Định tại ngã ba Hói Dét. Nói tới phần đất “Con Phố Buồn Thiu” nầy, trung tá Phán của TĐ8TQLC kể hoài không hết, bởi ông ấy rành như rành nhà bếp ở nhà sau khi đã cùng chiến hữu nằm gai nếm mật tại đây nhiều năm tháng. Có lẽ những cái tên tưởng quá tình cờ như “Phường Câu Nhi” lại là những giao điểm trong đời để những người lính TQLC như “Phán Phu Nhơn” và những tên lãng tử cầm máy ảnh như tôi gặp nhau và gìn giữ thân tình đến sau gần bốn chục năm. Cho dù thiếu tướng Lân không đồng ý thế, thì ông cũng phải nhìn nhận cái “tác phẩm đầu tay” mà tôi vừa tự thú là kết quả của sự ngu dốt và háo thắng, hơn là trình độ và tài năng.
    Theo “Hòa Râu” phản công tái chiếm
    Trước khi nhận lời làm cho AP, tôi bắt đầu nghiệp làm báo với tờ Sóng Thần, trùng tên với các cuộc hành quân của binh chủng TQLC, và là danh hiệu truyền tin của họ. Khi ra trận, được hỏi làm cho báo nào, tôi vẫn thường đáp “Sóng Thần”. Và điều ấy đã gây một ngộ nhận có lợi mà mãi sau tôi mới biết: lính TQLC cứ ngỡ tôi là phóng viên của sư đoàn TQLC, thành thử họ đã dành cho tôi thật nhiều mỹ cảm, sự che chở hỏa lực, cũng như ưu tiên khi lên xe xuống pháo.
    Sau khi hai đứa chúng tôi tinh nghịch bò qua bãi mìn ở hai đầu cầu Trường Phước trên quốc lộ 1 hôm 1-7-1972, và chứng kiến nguyên vẹn cái mà tôi gọi tên là “Đại Lộ Kinh Hoàng”, Tường và tôi hàng ngày vẫn tiếp tục bám theo cánh quân Dù trãi dài từ trên Động Ông Đô đổ xuống cặp QL1 đánh ra phía bắc. Hai đứa chúng tôi đã là hai phóng viên đầu tiên lọt vào thành phố Quảng Trị khi theo chân Nhảy Dù đánh từ Ngã Ba Long Hưng rẻ phải thọc xuống góc tây nam của cổ thành Đinh Công Tráng, và sau khi theo Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù đánh vào nhà thờ La Vang rồi cuốn chiếu qua hướng đông, yểm trợ cho lính TĐ11ND dồn xuống phía nhà ga Quảng Trị ở bờ sông Thạch Hãn. Chúng tôi không có dịp theo cánh TĐ2ND của Út Bạch Lan vượt hào đột kích vào góc Trí Bưu của thành cổ, nhưng quân sử VNCH đã ghi nhận những chiến công dũng cảm của binh chủng Nhảy Dù trong nỗ lực tái chiếm cổ thành. Chính vì quyết tâm bám theo quân Dù để làm phóng sự tái chiếm thành cổ, chúng tôi không được biết việc tướng Trưởng biến TQLC thành mũi xung kích chính và rút sư đoàn Dù ra bổ sung quân số và dưỡng quân.
    11-7-1972 cũng là một ngày như mọi ngày. Buổi sáng, Tường kéo tôi qua Gia Hội kiếm bún bò gánh, ngồi lề đường ăn. Chính vì ngồi ăn vĩa hè hôm ấy, chúng tôi gặp Nguyễn Đăng Hòa, tức là Hòa Râu, Tiểu đoàn trưởng TĐ1TQLC. 34 tuổi, người gốc Phan Rang, Hòa Râu vào Thiếu Sinh Quân mặc đồ kaki từ năm 12 tuổi, sau đó tốt nghiệp khóa 2 Sĩ Quan Đặc Biệt Nha Trang, năm 1961 tình nguyện vào TQLC. Chúng tôi hỏi vu vơ, “bao giờ mới đổ quân tái chiếm?”. Ông Hòa cười cười, “Bí mật quân sự… bất khả lậu. Gặp nhau ngoài Tân Mỹ mới nói được.” Dựa trên “nguồn tin” ấy, Đoàn Kế Tường và tôi đồng ý chạy xe ra Tân Mỹ, chuyện gì tính sau. Ra chưa tới bến phà thì nghẽn đường: một đoàn trực thăng Chinook CH-47 của US Marines hơn ba chục chiếc đậu thành hàng một trên quốc lộ, máy nổ, chong chóng quay. Hai bên là ruộng mùa hè, khô nứt nẻ, còn trơ những cọng rạ đâm ngược lên trời. Không cần phải đi lính mới biết hôm nay là ngày tái chiếm, và hàng ngàn TQLC của tiểu đoàn Quái Điểu lũ lượt hai bên mép đường chuẩn bị súng ống để hành quân. Tường dặn dò tôi thật lớn trong tiếng động cơ trực thăng ầm trời, “Tao lên chiếc nầy. Mầy lên chiếc kế cận, cho khỏi lạc nhau. Hai đứa không nên lên cùng tàu, lỡ rớt, ở tòa soạn ngày mai không có hình và tin.” Tôi cũng thét vào tai Tường, “Hôm nay trời nắng tốt, phim tao gắn trong máy là Kodak Tri-X 400 ASA. Chốc nữa có lạc nhau, mầy cứ để tốc độ 1/250 cho khỏi bị rung, khẩu độ để f/16 ngoài nắng, focus vào vô cực, rồi cứ thế mà phang!” Rồi hai thằng chui vào hai cái trực thăng, trà trộn với lính, không thèm xin phép phi hành đoàn hay đơn vị trưởng tác chiến: ai cũng biết chúng tôi là nhà báo. Chúng tôi không cần biết sẽ được đổ xuống đâu, trận mạc thế nào, đường về ra sao. Thấy người ta vũ khí lớn nhỏ ra đi, mình cũng vác máy lắp phim vào, đi theo. Không ba lô, không súng, không thức ăn. Ngoài cái máy ảnh, chúng tôi mỗi đứa đeo hai bình tông nước giếng, là thứ ngoài chiến trường quý gần ngang với máu.
    Bầy trực thăng sắp thành đội hình bay ra biển. Từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy đoàn tàu thủy của Hạm đội 7 đang bắn hải pháo tầm xa vào bờ mở một hàng rào lửa ở phía bắc. Các phi tuần B-52 trải thảm bên cạnh sườn trái, dọc “Con Phố Buồn thiu”. Phía sau pháo binh mặt đất dựng một hàng rào lửa khác. Nhìn xuống bãi cát cứ như một sân bóng hình chữ nhật, một mặt là biển, ba mặt kia bao bọc bởi lửa khói ngụt trời. Tất cả các hoạt động quân sự nầy được phát lệnh từ Ủy ban liên bộ Tham mưu Sư đoàn TQLC và Hạm đội 7 đặt trên chiến hạm chỉ huy USS Blue Ridge. Tướng Ngô Quang Trưởng và tướng Bùi Thế Lân ngồi trực thăng chỉ huy riêng, điều quân từ trên trời. Khi B-52 vừa ngừng đợt trải thảm, máy bay chúng tôi từ biển bay lẫn vào màn khói còn mù mịt, mỗi chiếc tự tìm một hố bom B-52 để đáp xuống trong lòng, được che chở bởi bờ đất chung quanh. Mỗi lỗ bom vừa vặn một chiếc máy bay. Chúng tôi theo lính Cọp Biển, nhảy ra khỏi tàu từ cánh cửa mở phía đuôi trực thăng. Máy bay cất bỗng lên để đi bốc cánh quân khác. TQLC bắt đầu từ mé hố bom trèo lên mặt đất, đánh rộng ra như vết dầu loang, vừa tiến quân vừa bắt tay với những tốp từ các hố bom khác, dần dần được chỉ huy bên trên chỉnh thành đội hình để phối hợp hành quân với các đơn vị lớn. Ở khu vực nầy, đối phương đã chiếm giữ gần ba tháng, và đã tổ chức được hệ thống phòng sự kiên cố với các cụm giao thông hào và địa đạo liên hoàn cũng như các chốt chận đặt ở những vị trí yết hầu để chống giữ, để sau một trận thảm lửa của pháo đài bay, hầu như tất cả bị xóa sổ. Nhưng vẫn không tránh khỏi kịch chiến diễn ra quanh các đồi cát khi các trung đội TQLC tràn lên tiến chiếm các điểm cao để làm chủ trận địa.
    Chúng tôi theo cánh quân từ Linh Chiểu và Xuân Dương mở rộng vùng kiểm soát ra hướng đông. Trong quờ quạng của bóng đêm hôm đó, Tường và tôi gặp lại nhau trên bờ biển Mỹ Thủy, và theo trực thăng tải thương về quân y viện Nguyễn Tri Phương trong Mang Cá. Mãi tới sáng hôm sau kéo nhau qua phòng báo chí của TQLC trong đại nội để kiếm máy bay đi làm phóng sự chiến trường tiếp mới biết rằng trong đoàn trực thăng chúng tôi đi “lậu” hôm trước có đến 29 chiếc mang theo vết đạn nhỏ lớn về nhà, hai chiếc không may mắn đã bị bắn cháy trước khi rơi xuống gần Trí Bưu, làm thiệt mạng ngót hai trăm người vừa phi hành đoàn vừa lính của Nguyễn Đăng Hòa. Chiến tranh là thế. Trời kêu ai nấy dạ. Nếu tôi lên một trong hai chiếc tàu ấy, thì giờ nầy độc giả không đọc những dòng nầy, viết về gian nguy và sự hy sinh của người lính trận.
    Phán “Phu Nhơn”
    Trong lính, khi gặp thì phải chào kính, trên dưới nghiêm minh. Nhưng nếu độc giả hỏi bất cứ ai từng ở tiểu đoàn 8 Ó Biển, “bạn thuộc đơn vị nào”, thì sẽ được nghe trả lời “lính của Phán Phu Nhơn”. Đừng nghe thế rồi tưởng ông tiểu đoàn trưởng Nguyễn Phán là thứ liễu yếu đào tơ, mà lầm. Ngày mới vào quân trường, khi được hỏi nguyên quán, anh thư sinh tên Phán nói giọng Huế ngọt như đường phèn, “Dạ Phú Nhơn”. Phú Nhơn là tên một phường trong thành phố Huế, nhưng chẳng biết vì giọng Phán rụt rè, hay vì tai ông quân số bị lãng, nên kể từ đó sinh viên sĩ quan Nguyễn Phán lãnh luôn cái tên “Phán Phu Nhơn”. Ra trường, cầm quân, giết giặc, tái chiếm thành nội Huế trong tết Mậu Thân, vào sinh ra tử suốt vùng giới tuyến, nắm nguyên cả một tiểu đoàn, ông Phán tôi “cứ để rứa cũng được”, không thèm đổi tên. Nhưng tôi quen ông Phán rất muộn, vào một dịp tình cờ, sau cái chết của phi công Nguyễn Hàn, ông anh con bác mà chúng tôi chơi và bời với nhau như bạn bè nhiều hơn.
    Mẹ tôi mất vào ngày tổng thống Thiệu bắt cả nước treo cờ: ngày “Người Cày Có Ruộng” 26-3-1972. Tới lãnh khăn tang, Hàn quấn lên đầu, nói với bố tôi, “khăn con trùng mí chú ơi. Vậy con sẽ là người trong gia đình chết theo thím”. Nói đùa mà có thật. Chưa đầy bảy tháng sau, một hôm bị cúm, nhưng Hàn tình nguyện bay thế cho thằng bạn cùng phi đoàn có hẹn với đào. Cùng bay với Hàn là Tuần. Buổi chiều, bạn gái tôi gọi cho tôi, “Anh Tuần bay chung với anh Hàn hôm nay mới gọi cho em, nói anh Hàn rớt tàu ở Quảng Trị rồi”. Buổi tối, tôi lên phi đoàn phản lực 528 trong phi trường Đà Nẵng. Họ không xác nhận Hàn sống hay chết. Tôi cũng chỉ hỏi vỏn vẹn hai điều, anh tôi rớt tàu khi đang yểm trợ cho ai, và có thể cho tôi cái L-19 sáng mai bay ra Phú Bài. Phi đoàn trưởng A-37 không tiếc gì với tôi, “Hàn bị bắn khi đang đánh cho TĐ8TQLC, và sáng mai có chiếc bà già chờ anh bên phi đoàn 110.”
    Đêm đó tôi gọi cho tổng đài Sóng Thần của TQLC qua ngã tổng đài Thống Nhất, để xin đại bàng của lữ đoàn 258, nhằm tìm tin tức ông anh. Từ Hương Điền, trung tá Nguyễn Xuân Phúc trầm giọng trong điện thoại, “Hóa ra thằng pilot là anh mầy hả Thanh? Nó đánh cho thằng Phán ngay bên bờ sông Thạch Hãn. Mai mầy ra tới Phú Bài rồi kiếm trực thăng bay ra đây, tao cho mầy cái M-113 lên chỗ thằng Phán. Mầy chưa quen hắn? Đừng lo, dân mắm ruốc với mầy.”
    Mỗi thằng phóng viên chiến trường trời xui đất khiến thế nào đó, có vài ông “đại bàng” kết, coi như đàn em. Đoàn Kế Tường có tướng tử thủ An Lộc Trần Văn Nhật, gặp tôi trong cuộc đổ quân nào của SĐ2BB quanh Ba Tơ, Gia Vực, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Đức Phổ, khi nào cũng hỏi thăm cùng một câu, “Thằng Tường lúc nầy đi mặt trận nào?” Tôi không may mắn được tướng chiếu tướng như bạn tôi, nhưng ông đại tá tư lệnh BĐQ-QK1 và ông Robert Lửa lữ đoàn trưởng 258 TQLC coi tôi như thằng em út vụng dại; tôi vô tới Saigon, ông Nguyễn Xuân Phúc còn dắt thằng nhỏ nhà báo đi chơi đêm. Ông Phúc là bạn thân của ông Nguyễn Đức Nhuận, quản lý báo Sóng Thần, nhờ thế tôi hưởng ơn mưa móc, chứ so tuổi tôi kém xa, so tài tôi không có.
    Chiếc thiết vận xa dừng ở hầm chỉ huy TĐ8, tôi nhảy từ trên pháo tháp xuống bắt tay tiểu đoàn trưởng “Phán Phu Nhơn”. “Mẹ, tao xem hình mầy trên báo hoài, nếu anh mầy không rớt tàu, sức mấy tao gặp mầy!”
    Ông Phán dẫn tôi ra bụi tre sau hầm chỉ huy, biểu tôi khom mình thấp xuống, bò theo ông một đoạn khá dài ra phía bờ sông. Ở chỗ quang, chúng tôi nhỏm dậy nửa người trong bụi rậm, nhìn theo ngón tay tiểu đoàn trưởng. “Thấy cái cây đứng lẻ một mình không? Cái dù cam còn vướng trên cành đó…” Ông Phán đưa một bàn tay lên cao diễn tả, “Thằng anh mầy từ phía biển bay vào, bay thật sát đất để gây bất ngờ và tránh đạn phòng không. Bên kia sông là Việt cộng 100%. Chỗ cái cây trở ra là nó với mình cài răng lược. Đánh xong trái bom cuối, thằng Hàn múc tàu lên, trúng một phát cao xạ, lửa bốc ra từ cánh trái. Hắn còn quay được mũi tàu về hướng đông, nhưng bung dù sớm quá, bị gió bạt ngược trở lại chỗ cũ. Chỉ cần hắn chờ thêm một phút nửa thôi mới nhảy, thì dù đã xuống vùng TQLC kiểm soát. Dù xuống vướng vào cành cây. Tụi khốn nạn bắn như mưa, tụi tao đau lòng lắm. Ngồi trong nầy nhìn ra. Đất trống trơn thế nầy, đứng dậy là chết. Làm gì được? Nhưng hắn không chết, lấy dao cắt dù nhảy xuống. Một thằng UH-1 bay qua thấy dù cam biết là pilot loại lì, đã tự ý hạ xuống, bốc được hắn lên. Đạn vẫn bắn như mưa. Tàu cất lên và trúng đạn vào đuôi, rơi trở xuống. Thấy ba thằng pilot và hai thằng xạ thủ đại liên chạy ra trước khi tàu nổ tung. Lính tao hôm nay cứu được hai thằng đại liên đi lạc. Ba thằng phi công chưa có tin tức.”
    Vậy là còn hy vọng Tôi nằm lại hầm chỉ huy với ông Phán, hàng ngày ăn đạn pháo kích 130 ly, để nuôi niềm hy vọng. Ba hôm sau, ông Phán khuyên tôi về. Có tin gì ông sẽ nhắn ông Phúc gọi ngay cho tôi. Tôi nghe lời, trở về tiếp tục đi làm phóng sự. Ông Phán và ông Phúc không hề gọi cho tôi. Người gọi là bạn gái tôi 3 ngày sau, “trong phi đoàn cho biết đã lấy được anh Hàn về tới nhà xác Tổng Y Viện Duy Tân.” Sau đó nữa, ông Phúc không bao giờ gọi cho tôi. Ông bạn vai anh của tôi ở trên chiếc trực thăng bị bắn rớt mất xác, ngày Đà Nẵng mất, 29-3-1972. Ông Phán cũng không hề gọi cho tôi. Tháng 5-2006, Phan Nhật Nam từ Cali qua Houston, gọi cho tôi nói là đang ở nhà một người bạn, rũ tôi tới uống rượu. Khi tôi lần địa chỉ tới gõ cửa, người ra mở cửa cho tôi không phải là ông “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Tôi và ông chủ nhà ôm lấy nhau một hồi lâu, làm ông Nam cứ há miệng ra, “Hóa ra ông Phán và ông đã quen nhau?”
    Tối hôm qua ngồi cạnh tướng Lân, ông Phán không nhắc nhỡ kỷ niệm buồn vui binh chủng, lại mang ông anh tôi ra chửi thề, “Đ.M., phải chi thằng Hàn nhảy chậm lại một chút thôi. Hắn bung dù rồi, chiếc A-37 vẫn còn tiếp tục bay…”
    Trễ 37 năm, nhưng rồi tấm huy chương vẫn đến...
    Trong văn bản giải thích lý do trao tặng huân chương “Legion of Merit” cho ông Lân, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ viết:
    “Do tài lãnh đạo đáng được đặc biệt ca ngợi trong khi thi hành xuất sắc nhiệm vụ từ ngày 30-3-1972 đến ngày 16-9-1972 khi liên tục đảm trách chức vụ Tử Lệnh Phó và kế tiếp là Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.
    Trong thời gian chiến đấu mang tính quyết định mất còn cho Việt Nam Cọng Hòa tiếp theo sau cuộc tấn công ồ ạt của nhiều sư đoàn chính quy Bắc Việt qua vùng Phi Quân Sự, chuẩn tướng Lân đã giữ vai trò then chốt trong những chiến công lừng lẫy của Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam mà đỉnh cao là giải phóng thành phố Quảng Trị khỏi tay quân Bắc Việt.
    Bằng vào tài chỉ huy kiệt xuất, nhuần nhuyễn chiến thuật, cùng với lòng can trường vượt bậc khi trực diện với quân thù tàn bạo, chuẩn tướng Lân đã truyền cho quân sĩ Thủy Quân Lục Chiến dưới trướng mình lòng quả cảm để chế ngự một địch thủ kiên cường. Thành tích gương mẫu của ông phản ánh danh thơm cho bản thân, mà còn cho toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”
    Nói cách khác, tướng Lân thay mặt binh chủng TQLC để nhận huy chương cho kỳ tích tái chiếm cổ thành vào ngày 16-9-1972.
    Khi mới tràn qua vỹ tuyến 17 và uy hiếp được sư đoàn 3 tân lập, cộng sản tuyên truyền rằng họ sẽ “đánh cho cọp chạy, ó bay, đèn cầy ngã” (cọp: TQLC, ó: Nhảy Dù, đèn cầy: hình số 1 trên phù hiệu Sư đoàn 1 Bộ Binh VNCH). Thay vì “thắng như thế chẻ tre”, sau khi mất thành phố Quảng Trị vào ngày 1-5-1972, QLVNCH nhanh chóng ổn định và tái phối trí tại bờ nam sông Mỹ Chánh.
    Trận phản công tái chiếm của nam quân và tử chiến để bảo vệ của bắc quân đã diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu. Báo chí miền bắc sau đó đã ghi nhận: “quân VNCH dưới sư yểm trợ của Mỹ dùng trọng pháo nã vào thành cổ gần 30.000 quả/phút, kết hợp pháo hạm và pháo trên bộ, dùng B-52 ném bom trải thảm, cứ 30 phút 1 đợt B-52, độ tàn phá bằng 8 quả bom nguyên tử đã thả ở Hiroshima, huy động bộ binh, lính dù, thủy quân lục chiến tấn công dữ dội hòng chiếm lại thành cổ Quảng Trị và cuộc chiến này đã diễn ra suốt 81 ngày đêm từ ngày 28 tháng 6 năm 1972 đến 16 tháng 9 năm 1972. Thành cổ Quảng Trị bị bao vậy bởi Quân đội VNCH và liên tục tấn công ác liệt từ hướng Thạch Hãn và Trí Bưu với sự yểm trợ của B-52 và pháo binh. Đường duy nhất để tiếp tế cho thành cổ là bí mật bơi qua sông Thạch Hãn luôn bị đánh phá ác liệt. Những cựu chiến binh còn kể lại rằng vào thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến, mỗi đêm có một đại đội quân giải phóng vượt sông bơi sang chi viện cho thành cổ, đến sáng tất cả đều đã hy sinh. Trung đoàn 95 với sự yểm trợ của pháo binh từ bên kia bờ Thạch Hãn đã liên tục phản kích tiêu hao nhiều sinh lực của lữ đoàn dù 81 đến nỗi đơn vị này phải rút về tuyến sau để cho lực lượng thủy quân lục chiến tiến lên thay thế, tuy nhiên lực lượng quân giải phóng bám trụ tại thành cổ cũng thiệt hại không ít. Cuối tháng 7-1972, vòng vây càng siết chặt từ các hướng đông, nam và tây nam của thành cổ và quân đội VNCH liên tục mở các trận tập kích hỏa lực "Phong lôi" vô cùng ác liệt và dồn dập. (Tài liệu của quân đội VNCH từ 27-7 đến 16-9-1972 cho biết: "thị xã bị đánh với 328 nghìn tấn bom đạn, 9.552 nghìn viên đạn pháo 105mm, 55 nghìn viên đạn pháo 155 mm, 8.164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615 nghìn viên đạn hải pháo Mỹ, 2.240 lần oanh tạc của không quân..."). Dưới số mưa bom bão đạn ấy, quân giải phóng được chi viện của trung đoàn 101 thuộc sư 325 và trung đoàn 165 của sư 312 đã chiến đấu với lữ đoàn 258 giành giựt từng viên gạch, tấc đất, góc hầm tại thành cổ cho đến ngày 14 tháng 9 năm 1972 thì quân đội VNCH chặn được đường tiếp tế qua sông. Cả ngày và đêm 15 tháng 9 vẫn còn nghe tiếng súng từ các ổ đề kháng cuối cùng tại thành cổ, đến rạng sáng ngày 16 mới dứt. Quân đội VNCH chiếm được thành cổ.”
    Bờ sông Thạch Hãn nơi TQLC trấn thủ là bến vượt đẫm máu của những đại đội Việt cộng được bổ sung vào giữ thành cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm, mỗi đêm một đại đội hơn trăm lính mới hầu hết là sinh viên học sinh “sinh Bắc tử Nam” đã sang sông mà ngày hôm sau chỉ khoảng mươi người trở về. Hơn 40 nghìn binh sĩ hai bên đã nằm lại nơi ấy, mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông. Nếu thành cổ Quảng Trị là cối xay thịt bộ đội thì dòng sông Thạch Hãn đã từng được họ gọi là dòng sông máu dưới họng súng của Thủy Quân Lục Chiến, trở thành cảm hứng cho bài thơ than khóc của chiến binh miền bắc Lê Bá Đương:
    “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
    Có tuổi hai mươi thành sóng nước
    Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”
    Được khởi công xây dựng từ thế kỷ 19, nếu tính từ ngày đắp thành bằng đất cho đến ngày xây tường kiên cố, thời gian trôi qua ngót 38 năm, trải qua 2 triều đại Gia Long và Minh Mạng. Thoạt đầu, thành được khởi công ở phường Tiền Kiên, huyện Thuận Xương, tức Ái Tử ngày nay. Ðến năm Gia Long thứ 8 do địa thế thiếu tiện nghi nên triều đình đã cho di dời qua bờ bên kia của sông Thạch Hãn, huyện Hải. Dưới thời Minh Mạng, triều đình đã đúc 9 đỉnh đồng lớn đặt ở chính diện trong nội thành, biểu tượng của truyền thống văn hiến và thượng võ Lạc Việt. Nhưng phải đến năm 1838 thành mới được xây kiên cố hơn bằng đá núi, gạch nung, với chu vi 1.926 m, mỗi cạnh 500 m, tường cao 4 m với bề dày 12 . Hệ thống hào chung quanh có chiều ngang 18.4 m, sâu 3.20 m. Như mọi thành khác, cổ thành Quảng Trị có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu. Tới thời cộng hòa, thành được cải danh là Ðinh Công Tráng - tên một sĩ phu nổi danh chống xâm lăng.
    Văn bản trao tặng huân chương hôm 7-3-2009 không kể chi tiết về trận tái chiếm cổ thành đầy máu, nhưng trước đây nhà quân sử Trần Bá Ðàm viết: “Vào ngày 23-8 sau cả ngày quần thảo với quân cố thủ bất phân thắng bại, quân ta ghìm súng ở vị trí. Trung Tá Tùng tiểu đoàn trưởng TĐ6 ra lệnh cho trung sĩ Trịnh Thành Tấn biệt danh Tôn Tẫn thuộc đại đội 3, dẫn một toán khinh binh xâm nhập vào thành thám sát và dặn kỹ phải tự chế nổ súng. Thi hành lệnh, Tấn nhờ bóng đêm đã dẫn thuộc cấp bơi lặn qua hào nước, lăn bò luồn lách chốt gác địch, quan sát rồi về trình lên cấp chỉ huy lúc 9 giờ khuya. Báo cáo cho biết góc nam cổ thành có 1 lỗ bom đủ người chui lọt, cách đó khoảng 20m có khúc bờ thành bị bom làm sạt lở dễ leo qua. Ðịch cắt gác kép và đổi gác giờ lẻ, thắp đèn thức truyện trò nói nhỏ với nhau rất thận trọng và cảnh giác cao... Đến ngày 9-9 khi tiểu đoàn Thần ưng tấn công tiến được đến sát chân thành giao chiến với quân cố thủ giằng co quyết liệt. Trung tá Tùng lại ra lệnh cho một bán tiểu đội thuộc đại đội 4 gồm: trung sĩ Trình trưởng toán, là một hạ sĩ quan nổi tiếng can đảm, và các binh nhất Tài, binh nhì Sơn, Châu, Tâm, Chương, giao nhiệm vụ xâm nhập vào thành lập đầu cầu bằng cách chui qua ngả lỗ bom hoặc vượt khúc bờ thành sạt lở kể trên để mở lối cho tiểu đoàn. Toán cảm tử lại nương bóng đêm lặn lội qua hào nước lạnh cóng vì ảnh hưởng bão, kiếm được lổ kể trên chui vào. Bất hạnh cho toán là vừa lọt vào trong thành được khoảng 20 giây, là bị địch phát giác bắn xả bằng súng AK và B40 trúng trung sĩ Trình, binh nhất Tài tử thương tại chỗ, rồi chúng ào ra kéo xác xuống giao thông hào. Ngoài ra còn gây trọng thương cho binh nhì Bình và Chương, toán chỉ còn binh nhì Sơn và Tâm sống sót. Binh nhì Tâm báo máy tình hình về đại đội, liền được lệnh phải tử thủ cái lỗ bom này. Sau đó kết quả đã giúp quân của đại đội 3 hàng một chui vào đánh cận chiến hy sinh thêm 9 chiến sĩ nữa, mới chiếm được khoảng 100m trong nội thành. Ðại đội 3 thực tế quân số chỉ còn 1 trung đội nguyên vẹn, nhưng đã xuất thần giữ đầu cầu cho tiểu đoàn 6. Nhờ đó, tiểu đoàn đã điều động được các đại đội cơ hữu áp dụng thích ứng chiến thuật từng ngày, tuần tự xâm nhập vào thành, sử dụng lựu đạn, bắn trực xạ tiêu diệt các ổ kháng cự. Trong lúc đó lại được chi đoàn thiết kỵ 2/20 điều động 05 chiến xa M48 đến sát chân thành, sử dụng hoả lực ghim cứng lực lượng địch dưới giao thông hào. Nhờ vậy, quân ta vào diệt gọn bằng cận chiến tiểu liên, lựu đạn vv... nên đến ngày 15 tháng 9 , thì tiểu đoàn đã quét sạch địch và làm chủ được góc thành phía nam bằng đẫm máu mặn xót xa...
    Các mũi nhọn công thành xung trận cùng thời gian, đã bị địch áp dụng chiến thuật tiền pháo, hậu bung ra ngoài thành quyết nghênh cản tạo thế ngang ngửa lúc đầu. Nhưng trước khí thế dũng mãnh của quân ta, địch đã yếu dần co cụm lại rồi bị dứt điểm tóm lược kể sau: TÐ3 và TÐ7 thuộc LÐ147 mặt bắc giao tranh ác liệt với đơn vị cố thủ, đã phải dừng lại cách tường thành mấy trăm mét để chỉnh đốn đội hình phản công. LÐ248 mặt nam khả quan hơn, có TÐ 2 Trâu Điên tiến được cách tường thành 400 m và TÐ1 Quái Điểu đã chiếm được khu vực cầu ga cách tường thành 300 m. Quân ta áp dụng chiến thuật khi địch ngưng pháo là xông lên. Qua ngày thứ 2 TÐ6 Thần Ưng tiến sát được cách tường thành 200 m và lúc đó còn phấn khởi được chi đoàn 2/20 thuộc thiết đoàn 20 thiết kỵ tăng cường yểm trợ hữu hiệu. Qua ngày thứ tư TÐ 2 Trâu Điên có vị chỉ huy nổi danh là trung tá Nguyễn Xuân Phúc tiến được cách thành 200 m. Nói chung các mũi nhọn công thành khác đều gian nguy giống nhau, áp dụng chiến thuât khi địch ngưng pháo là quân tiến lên bám chặt địa thế, thà hy sinh chứ không lui rồi cứ thế lấn tới khép kín vòng vây. Ác chiến tổng phản công kéo dài từ ngày 9-9 đến sáng ngày 16-9-1972 thì quân ta dứt điểm quét sạch địch, thượng quốc kỳ lên nóc cổ thành, lập kỳ tích chiến thắng.”
    *
    Vào giờ ngừng bắn lúc 8 giờ sáng 27-1-1973 (giờ Saigon), tất cả lính cộng sản đồn trú ở bên bờ bắc sông Thạch Hãn, phần đất bên nầy sông do TQLC làm chủ. Ở miệng sông là Cửa Việt, bên phía nam chỉ có cồn cát, căn cứ Cửa Việt thuộc về bên kia, thông thương với thị xã Đông Hà - nơi chiếu theo Hiệp định Paris là một căn cứ tiếp liệu quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược quan trọng của cộng sản. Hàng ngày có khoảng 10 tàu vận tải của Trung quốc từ Bắc Việt vào Cửa Việt. Để tránh địch quân dùng chiến xa tấn công bất ngờ các đơn vị TQLC bố phòng dọc bờ biển phiá Nam Cửa Việt, phe ta đã đặt những bãi mìn chống chiến xa hàng ngang dọc bờ biển. Nhưng những vụ lấn đất dành dân vẫn xẩy ra.
    Vào một ngày đầu tháng 2-1973 ấy, đám nhà báo chiến trường chúng tôi đang ở Huế nhận được cái tin nóng bỏng: TQLC tái chiếm mũi đất Cửa Việt sau khi bị cộng sản vi phạm ngừng bắn và chiếm cứ. Chúng tôi nhanh chóng nhảy lên trực thăng bay ra tiền tuyến. Khi tàu hạ cánh xuống bờ biển Gia Đẳng, tướng Lân đang chuẩn bị thuyết trình trước khi gởi nhà báo lên chụp ảnh làm chứng mũi đất nam Cửa Việt thuộc quyền kiểm soát của miền Nam. Hôm ấy là dịp đầu tiên tôi thấy tướng Lân từ ngày tái chiếm, nhưng bẻ mặt vì vụ chiếc nón sắt trong cổ thành và bị tướng Lân xua, tôi bỏ ra bờ biển một mình nghịch sóng. Sau khi tan họp báo, Lê Thanh Hiệp của thông tấn xã UPI ra bờ nước gặp tôi, nói nhỏ, “Ông Lân hỏi có phải mầy ngoài nầy không. Tao nói phải. Ông ấy biểu tao ra nói mầy bỏ qua vụ nón sắt đi, lo mà leo tàu đi chụp hình làm chứng cho TQLC”.
    May mà tôi đã tin lời Lê Thanh Hiệp. Nếu không, tối hôm nay, có lẽ khi thiếu tướng William Eshelman gắn huân chương cao quý ấy, tôi đã xấu hổ trốn mặt. 37 năm sau, gặp lại một binh nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ở một nơi cách xa tổ quốc nửa vòng trái đất, một vị thiếu tướng đã chững lại, rồi khẽ khàng, "NgyThanh đây phải không?". Tôi đáp, "Dạ, 36 năm 1 tháng kể từ lần gặp trước ở trên bờ biển Gia Đẳng, Triệu Phong, Quảng Trị, thưa Thiếu tướng!"
    Tối hôm nay, tướng Bùi Thế Lân nhận một huân chương, tới trễ những 37 năm, nhưng rồi vẫn đến. Cũng tối hôm nay, tôi nhận được một câu nói phát xuất từ tim một cụ già 77 tuổi. Thực tình tôi không dám chờ cái vinh dự ấy. Nhưng vì câu nói mang đậm tình huynh đệ chi binh đã nói ra, tôi thấy chẳng khác tôi cũng vừa nhận được cái huy chương mặn nồng, để tự thấm thía tất cả những gì mà mình đã làm trong bốn năm dài khoác quân phục và đứng cùng chiến hào với các chiến hữu của tôi.
    - NgyThanh

    ReplyDelete

30.4.1975 - 30.4.2010